Da bị nhiễm Corticoid là gì?
Da bị nhiễm Corticoid là da tổn thương, bị mài mòn, viêm nhiễm mạn tính do lạm dụng thuốc Corticoid bôi lên da trong thời gian dài, dẫn đến xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc. Các mạch máu trong da giãn ra làm xung huyết khiến da nóng đỏ, nổi lên nhiều nốt mụn nhỏ li ti.
Khi dùng các sản phẩm chứa Corticoid hoặc dẫn xuất của Corticoid vượt quá mức cho phép từ kem trộn, rượu thuốc trị mụn, thuốc chứa thảo dược kém chất lượng… khiến da nhiễm Corticoid. Corticoid là Hormone được tạo ra từ vỏ thượng thận. (1)
Corticoid giúp chống dị ứng, chống viêm, ức chế miễn dịch, trị mụn (gồm mụn mủ, mụn viêm, mụn cám), ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn (giảm nhờn). Việc dùng sản phẩm chứa Corticoid với hàm lượng cao sẽ làm da nhanh trắng mịn, mờ thâm nám, tàn nhang nhưng khi lạm dụng thuốc sẽ khiến da bị teo, tổn thương hàng rào bảo vệ da làm da dễ bị viêm nhiễm.
Nguyên nhân da nhiễm Corticoid
Nguyên nhân da nhiễm Corticoid do tự ý sử dụng sản phẩm bôi trên da có liều lượng Corticoid cao và kéo dài khiến da bị lệ thuộc thuốc (nghiện thuốc, nhiễm Corticoid). Đặc tính nổi bật của thuốc Corticoid bao gồm:
- Có tính kháng viêm mạnh: giúp cải thiện tình trạng mụn mủ, mụn viêm, giảm tình trạng sưng tấy, giảm ngứa.
- Ức chế sự phát triển của da, làm mỏng thượng bì do đó sẽ thấy da trắng sáng ra, hết sạm, nám.
Tuy nhiên, việc lạm dụng Corticoid liều cao và dài ngày gây tác dụng phụ khi ngưng sử dụng còn gọi là hiện tượng lệ thuộc Corticoid, da nhiễm Corticoid: da teo mỏng nên các mạch máu ở lớp bì lộ rõ và dễ bị tổn thương do các tác động vật lý (ánh nắng, va chạm) gây ra hiện tượng xuất huyết dưới da, da đỏ do mạch máu bị giãn nở…, ức chế viêm lâu dài làm da không chống lại các tác nhân bên ngoài nên dễ nhiễm trùng.
Triệu chứng trên da khi nhiễm Corticoid
Việc dùng Corticoid điều trị nhiều tháng sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, biểu hiện bằng phát ban da, da mỏng đỏ, đụng chạm vào dễ gây vết bầm hoặc trợt da; nhưng khi ngưng thuốc thì bệnh chính sẽ nặng hơn, da phản ứng nhiều hơn (cảm giác ngứa, châm chít, chảy dịch…) nên người bệnh lo sợ và dùng thuốc trở lại; nhưng khi sử dụng thuốc tiếp thì da càng mỏng, càng tổn thương nhiều hơn (nên có tên gọi là lệ thuộc/nghiện Corticoid).
Hướng dẫn cách điều trị da nhiễm Corticoid
Sau đây là một số hướng dẫn cách điều trị da nhiễm Corticoid, người bệnh nên lưu ý như:
1. Tập thích nghi cho da quen với việc không sử dụng Corticoid
Người bệnh nên giãn cách từ từ thời gian dùng sản phẩm chứa Corticoid để tập thích nghi cho da quen với việc không sử dụng Corticoid giúp da phục hồi khỏe mạnh. Việc ngừng dùng Corticoid đột ngột sẽ khiến da xuất hiện nhiều nám, mụn li ti hoặc mụn mủ khó điều trị, dễ để lại sẹo thâm. Do đó, thời gian dùng Corticoid nên giảm dần đến khi không dùng nữa.
2. Làm sạch da mặt
Làm sạch da mặt hằng ngày sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn trên da. Tuy nhiên, da khi nhiễm Corticoid thường yếu, dễ nhạy cảm nên không rửa mặt quá nhiều lần trong ngày. Các loại sữa rửa mặt nên chọn loại dịu nhẹ hoặc Soap Free hoặc loại có cung cấp kem dưỡng phục hồi da phù hợp với da mụn, nhạy cảm. Nếu da đã tổn thương nặng, người bệnh nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh da nhẹ nhàng.
3. Dưỡng da
Nên dùng sản phẩm dưỡng da có nguồn gốc từ thiên nhiên phù hợp cho da nhạy cảm hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần Vitamin, Acid Amin thiết yếu cho việc phục hồi da. Thoa kem dưỡng da từ 2 – 3 lần/ngày ở vùng da như mặt, thân mình, tay chân… để giúp da mềm mại hơn.
4. Sử dụng thuốc
Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cho dùng một số loại thuốc như: thuốc kháng viêm giúp giảm triệu chứng ở da, thuốc kháng sinh hoặc kháng Histamin, điều trị nhiễm trùng, thuốc trị nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm.
5. Liệu pháp chăm sóc da
Các liệu pháp chăm sóc da như: tiêm vi điểm, sử dụng chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu, sản phẩm từ tế bào gốc, sản phẩm dưỡng ẩm hoặc dùng các loại Vitamin có đặc tính chống oxy hóa như: Vitamin C, Vitamin E, Vitamin B2… giúp da mau phục hồi, khỏe mạnh hơn.
Cách chăm sóc da đúng cách tại nhà
Một số cách chăm sóc da đúng cách tại nhà khi da nhiễm Corticoid bao gồm:
- Sử dụng nước sạch hoặc chọn sản phẩm không gây kích ứng để làm sạch da mỗi ngày.
- Không dùng sản phẩm chăm sóc da, tóc có chứa Sodium Lauryl Sulfate, Menthol hoặc Camphor. Nếu đang dùng sản phẩm nào mà da bắt đầu khô, châm chích, ngứa, đau rát hoặc bong vảy phải ngừng dùng ngay. Không dùng sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh dễ gây tổn thương da.
- Chọn sản phẩm chăm sóc da và tóc không có chất tạo mùi, dịu nhẹ, phù hợp cho da.
- Không trang điểm hoặc dùng mỹ phẩm khi da đang tổn thương do Corticoid. Nếu phải trang điểm, nên dùng sản phẩm dạng lỏng để giảm kích ứng da.
- Không chạm tay hoặc chà xát vào vùng da bị kích ứng để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (nhiều khói bụi hoặc nấm mốc), nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Bảo vệ da cẩn thận khi đi ra ngoài trời nắng bằng cách bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và chứa kẽm Oxide, Titanium Dioxide, đồng thời đội mũ rộng vành, mặc áo khoác, mang bao tay, khẩu trang.
- Hạn chế căng thẳng, lo lắng vì khiến da dễ viêm nhiễm nặng hơn hoặc nổi nhiều mụn.
- Các thuốc chống trầm cảm, Vitamin B3, thuốc điều trị bệnh tim mạch… cũng ảnh hưởng đến da khiến da sưng đỏ. Do đó, người bệnh nên kiểm tra các loại thuốc đang dùng và hỏi ý kiến bác sĩ để hướng dẫn cách điều trị hợp lý. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.